Sở Y tế Hà Nội ngày 23/12 cho biết, vừa được Bộ Y tế phân cấp 200.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg và yêu cầu các địa phương khẩn trương cấp phát cho các F0 đủ điều kiện.
Sở Y tế Hà Nội ngày 23/12 cho biết, TP vừa được Bộ Y tế phân cấp 200.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg. Sở Y tế yêu cầu BVĐK Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc này và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; cấp phát cho các đơn vị tham gia chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.
Giám đốc trung tâm y tế, bệnh viện thu dung điều trị F0 khẩn trương cấp phát cho các bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà theo đúng quy định.
Cùng ngày, Sở cũng thông tin cơ quan này vừa ban hành quyết định về quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trên cộng đồng cho F0 thể nhẹ tại Hà Nội. Quyết định này thay thế quyết định 4245/QĐ-SYT do Sở ban hành hôm 13/12.
Theo Sở Y tế Hà Nội, có 4 tiêu chuẩn F0 được tham gia chương trình là: (1) Người có kết quả test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; (2) từ 18 t.uổi trở lên, ưu tiên đối với các trường hợp trên 50 t.uổi hoặc có bệnh nền; (3) cam kết đồng ý tham gia chương trình và (4) không có các chống chỉ định dùng thuốc.
“Trong trường hợp bệnh nhân được cách ly điều trị tại nhà phải có Quyết định (hoặc văn bản) của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà” – Sở Y tế thông tin.
Trạm y tế lưu động tiếp nhận điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Quy trình triển khai chương trình có 4 bước.
Bước 1. Phân phối thuốc: Bệnh viện đa khoa Đống Đa phân phối thuốc Molnupiravir cho các bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện.
Bước 2. Sàng lọc bệnh nhân
Trạm y tế cấp xã (cả trạm y tế lưu động) lập danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình, thực hiện việc khám sàng lọc, lập hồ sơ bệnh án các trường hợp đồng ý cam kết tham gia chương trình gửi TTYT tuyến huyện (Đối với việc sử dụng phần mềm, hướng dẫn bệnh nhân cập nhật thông tin qua mã QR Code do bệnh viện Phổi cấp và khai báo xác nhận trên APP).
Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, thực hiện điều trị cho bệnh nhân theo các quy trình tại “Sổ tay hướng dẫn chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ tại 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Khánh Hòa và Đà Nẵng” do Bệnh viện Phổi Trung ương ban hành.
Bước 3. Trạm y tế liên hệ với Trung tâm Y tế lĩnh đủ số lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân theo danh sách và cấp cho mỗi bệnh nhân 40 viên Molnupiravir 200mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800mg (4 viên), uống trong 5 ngày, tiến hành cấp phát thuốc, hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, hàng ngày liên hệ với bệnh nhân (trực tiếp hoặc qua điện thoại) ghi nhận các sự cố bất lợi (nếu có) trong vòng 14 ngày.
Bước 4. Các đơn vị (cơ sở điều trị, Trung tâm Y tế cấp huyện) cử cán bộ phụ trách nhập liệu hàng ngày lên phần mềm trực tuyến, thực hiện báo cáo định kỳ và lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định; Trung tâm Y tế thường xuyên giám sát hỗ trợ trạm y tế trong quá trình triển khai chương trình.
So với Quyết định cũ hôm 13/12, Quyết định lần có sự khác biệt về công tác cấp cứu, chuyển viện các trường hợp bệnh nặng, đối với bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các cơ sở nếu vượt quá khả năng điều trị thì chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị F0 ở tầng cao hơn theo tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế. Đối với F0 điều trị tại nhà, trạm y tế cấp xã chịu trách nhiệm sơ cấp cứu, chuyển các bệnh nhân có chuyển biến nặng đến các bệnh viện, Trung tâm Y tế có giường bệnh kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân.
Về việc thu hồi thuốc, trong trường hợp bệnh nhân không dùng hết thuốc hoặc ngừng thuốc (vì bất cứ lý do gì), người bệnh cần trả lại số thuốc chưa dùng kèm theo “Phiếu xác nhận trả thuốc” ghi rõ số lượng thuốc còn lại và ký tên vào phiếu. Trạm y tế tập hợp các “Phiếu xác nhận trả thuốc” gửi Trung tâm Y tế để lưu hồ sơ. Các viên thuốc đã phát nhưng chưa sử dụng sẽ được trả cho Trung tâm tập hợp để gửi về BVĐK Đống Đa thực hiện thủ tục hủy thuốc theo quy định.
F0 ở Hà Nội tăng vọt, nhân viên y tế điều trị tại nhà như thế nào?
Các ca F0 liên tục tăng nhanh từng ngày, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như giảm tải cho các cơ sở y tế, TP Hà Nội đã cho phép thực hiện điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.
Ghi nhận trên địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì chiều ngày 21/12, cán bộ và lực lượng y tế xã đã có những bước triển khai việc sàng lọc, điều trị tại nhà theo quy trình đối với các bệnh nhân F0 không triệu chứng.
Trạm y tế lưu động được xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) kích hoạt sau khi số lượng F0 trên địa bàn xã có dấu hiệu gia tăng. Tính tới ngày 21/12, toàn xã có tổng cộng 65 F0 trong đó 11 trường hợp theo dõi cách ly và điều trị tại nhà.
Trạm y tế lưu động với nhiệm vụ sàng lọc các trường hợp có liên quan tới F0 cũng như có dấu hiệu ho, sốt, khó thở… thuộc các đối tượng người dân đang sinh sống trên địa bàn xã.
Người dân tới khám sàng lọc sẽ thực hiện test Covid-19 theo phương pháp test nhanh, cho kết quả sau 15-20 phút sau đó.
Với các trường hợp có liên quan dịch tễ tới F0 có kết quả test nhanh âm tính sẽ được cho về và thực hiện cách ly y tế tại nhà, còn các trường hợp có kết quả dương tính sẽ được đưa ra phòng cách ly riêng.
Ngay trong chiều 21/12, thông qua khám sàng lọc đã có 4 trường trong cộng đồng test nhanh tại chỗ có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Đối tượng được xác nhận là F0 được đưa vào khu vực cách ly riêng và được nhân viên y tế tiến hành điều tra thông tin dịch tễ, lên danh sách những người có liên quan để tiếp tục sàng lọc.
Nhân viên y tế thực hiện việc khử khuẩn quanh khu vực lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, đặc biệt là vị trí có đối tượng nhận kết quả test nhanh dương tính.
Theo bà Nghiêm Thị Phương Chi, PCT UBND Xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, toàn xã hiện tại có 11 trường hợp F0 không triệu chứng đang thực hiện cách ly và điều trị tại nhà. Nhân viên y tế xã kết hợp cùng trạm y tế xã có nhiệm vụ theo dõi và quản lý, điều trị các bệnh nhân này.
Hàng ngày, ngoài việc gọi điện, theo dõi tình trạng bệnh của các F0 điều trị tại nhà, nhân viên y tế cũng tới tận nơi các địa điểm thực hiện cách ly tại nhà để phát thuốc đối với trường hợp có biểu hiện sốt.
Trước mỗi nhà của bệnh nhân F0 đều được dán biển cách ly y tế và khuyến cáo người dân không tiếp xúc gần kèm theo thông tin ngày tháng thực hiện.
Nhân viên y tế ghi thông tin bệnh nhân và tiến hành các bước kiểm tra thân nhiệt, đo huyết áp đối với mỗi F0 đang điều trị tại nhà.
Trường hợp có dấu hiệu sốt cũng được cấp phát thuốc và hướng dẫn việc sử dụng hiệu quả, đúng liều.
Chị Huệ (nhân viên văn phòng) là một F0 đang thực hiện cách ly và điều trị tại nhà tại xã Tam Hiệp cho biết, chị cảm thấy có chút lo lắng khi bất ngờ trở thành F0 mà không biết lây từ đâu. Trong thời gian này chị được điều trị tại nhà thay vì phải đi xa và được nhân viên y tế quan tâm hàng ngày nên hi vọng sẽ sớm âm tính trở lại.
Có những hộ gia đình trong xã Tam Hiệp toàn bộ các thành viên trong nhà đều là F0 và cũng được nhân viên y tế thường xuyên thăm hỏi trong quá trình điều trị tại nhà.
Sau mỗi lần điều trị tại nhà cho bệnh nhân F0, nhân viên y tế sẽ thực hiện việc khử khuẩn toàn thân và di chuyển tới nhà bệnh nhân khác.
Cũng trong thời gian này, lãnh đạo xã Tam Hiệp cũng đang tích cực vận động người dân chưa tiêm vaccine hoàn tất việc tiêm đúng lộ trình. Đa phần những đối tượng chưa tiêm là người già, chưa tin tưởng vào tác dụng của vaccine đều được giải thích rõ ràng những lợi ích mà vaccine đem lại. Được biết, tỉ lệ phủ vaccine người dân trên 18 t.uổi của toàn xã Tam Hiệp đang đạt mức 96,2%.
Bà Nguyễn Thị Thìn (xóm 2C, thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp) là một trong những người dân chưa hoàn tất việc tiêm vaccine nhưng sau khi nghe giải thích từ phía lãnh đạo xã đã đồng ý tham gia tiêm trong thời gian tới.