Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà.
Quy trình nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị: trung tâm y tế, trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Cụ thể:
Trung tâm y tế
Theo quy trình, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ:
– Tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý F0.
– Chủ trì tổ chức tập huấn hoặc mời các chuyên gia tổ chức tập huấn cho Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19.
Trạm y tế, trạm y tế lưu động
Các trạm y tế, trạm y tế lưu động có nhiệm vụ:
– Thực hiện quản lý, theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế.
– Cung cấp thông tin người mắc bệnh Covid-19 trên địa bàn cho Đoàn thanh niên (Thành viên tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19) thực hiện nhập liệu vào phần mềm để quản lý.
– Thực hiện khám, tư vấn cho người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà để người dân yên tâm điều trị, tránh gây hoang mang lo lắng.
– Đối với cán bộ đăng ký số hotline của trạm y tế, trạm y tế lưu động thực hiện ngay lập tức việc thăm khám, khi có thông báo và đ.ánh giá với các trường hợp người nhiễm theo mức độ phân tầng xanh, vàng, cam, đỏ. Trường hợp người dân khai báo nhầm, cán bộ y tế cơ sở thực hiện việc cập nhật lại thông tin sau khi đã thăm khám trực tiếp.
– Phát hiện kịp thời F0 tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng (màu cam, màu đỏ trên phần mềm) để chuyển tuyến đến các bệnh viện đã được phân tầng theo quy định.
– Hoàn thành thủ tục hết cách ly cho F0 bằng lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, in ấn giấy tờ hồ sơ theo quy định.
Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19
Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 có nòng cốt là Đoàn thanh niên được phân công nhiệm vụ:
– Nhập thông tin người mắc bệnh Covid-19 lên hệ thống phần mềm sau khi nhận được dữ liệu từ y tế cơ sở.
– Chỉnh sửa dữ liệu F0 đã đăng ký trên phần mềm, để thông tin F0 được chính xác với thực tế của địa phương.
– Hỗ trợ người bệnh F0 tại nhà biết cách khai báo thông tin sức khỏe hàng ngày vào phần mềm, khai hộ thông tin cho người không có điện thoại thông minh hoặc người già yếu. Liên hệ với F0 để nhắc họ khai báo đúng giờ, đủ thông tin sức khỏe.
– Thông báo ngay cho nhân viên y tế khi F0 đang theo dõi tại nhà có dấu hiệu chuyển độ nặng hơn hoặc dấu hiệu bất thường để nhân viên y tế kịp thời vận chuyển F0 đến bệnh viện điều trị Covid-19 theo đúng phân tầng đã quy định.
– Trực tiếp theo dõi nhóm F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được theo dõi tại nhà.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cùng tham gia hỗ trợ các lực lượng y tế của thành phố trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà với các nhiệm vụ:
– Phân công các y, bác sĩ của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để quản lý theo khu vực, hỗ trợ ban lãnh đạo các trung tâm y tế trong tham mưu, triển khai thực hiện và cung cấp thông tin ca bệnh cần hỗ trợ y tế khẩn cấp, báo cáo thực hiện hàng tuần.
– Trực tiếp chủ động theo dõi, gọi điện hỗ trợ nhóm F0 có triệu chứng theo phân tầng trên phần mềm.
– Phối hợp với nhân viên y tế tại các trạm y tế và trạm y tế lưu động để trao đổi, chia sẻ, cảnh báo khi F0 có dấu hiệu tăng nặng để kịp thời khám, chuyển tuyến đến các bệnh viện đã phân tầng theo quy định.
– Nhận điện thoại được gọi từ F0 để hỗ trợ hướng dẫn khai báo thông tin sức khỏe trên phần mềm, tư vấn dinh dưỡng, an toàn lây nhiễm, trấn an tinh thần…
– Kết hợp với tổng đài 1022 để nhận thông tin hỗ trợ F0 theo dõi tại nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Số F0 mới tiếp tục tăng, TP Hồ Chí Minh xây dựng 7 kịch bản ứng phó với dịch
Chiều 18/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng 7 kịch bản ứng phó với từng tình huống tăng, giảm F0 trên địa bàn.
Trong 24 giờ qua, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 1.609 trường hợp mắc mới, tăng 272 trường hợp so với ngày trước đó. Như vậy, trong đợt dịch lần thứ 4 tính đến ngày 18/11, TP Hồ Chí Minh có 452.722 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
TP Hồ Chí Minh kích hoạt các Trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc F0 tại nhà.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Theo đó, số ca mắc mới mỗi ngày vẫn còn cao, có ngày lên đến trên 1.400 ca mắc mới. Số bệnh nhân nặng thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng; chẳng hạn như ngày 14/11 là 258 ca, ngày 15/11 là 274 ca, ngày 16/11 là 284 ca và ngày 17/11 lên đến 302 ca. Ngoài ra, số ca nhập viện thời gian gần đây luôn cao hơn số ca xuất viện, khác với những ngày trong tháng 10.
“Một trong những con số đáng lo ngại khác đó là số ca t.ử v.ong chưa giảm, thậm chí còn tăng. Chẳng hạn như ngày 15/11 có 35 trường hợp t.ử v.ong, ngày 16/11 có 26 trường hợp và ngày 17/11 số ca t.ử v.ong tăng lên 42 trường hợp”, ông Phạm Đức Hải nói.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, hiện nay, mục tiêu chung của Thành phố là làm sao duy trì và bảo vệ được thành quả chống dịch trong suốt thời gian qua; đồng thời kéo giảm số ca nhập viện cũng như số ca t.ử v.ong và củng cố lại hệ thống y tế. Với tinh thần đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng với các sở, ngành bàn các giải pháp và xây dựng các kịch bản cụ thể ứng phó với dịch.
Về ngưỡng đáp ứng của Thành phố với dịch COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, cùng với số nhân sự hiện có gồm 9.100 bác sĩ, 19.600 điều dưỡng và số giường oxy, giường hồi sức cấp cứu, giường bệnh… Thành phố có khả năng đáp ứng 120.000 F0 cùng thời điểm.
“Sở Y tế đã xây dựng 7 kịch bản đáp ứng với từng số liệu F0. Bên cạnh đó, tất cả lực lượng y, bác sĩ và điều dưỡng tại thành phố đều đã được cọ xát thực hành trong đợt dịch lần 4 nên có thể xử lý tốt các tình huống xảy ra”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cũng cho biết, hiện Thành phố còn khoảng 2.000 gói thuốc C và đang xin Bộ Y tế thêm 100.000 gói thuốc C để dự trù khi F0 tăng lên.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế đã củng cố lại lực lượng hỗ trợ chăm sóc F0 như kích hoạt lại hệ thống mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Theo đó, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” với 2.500 bác sĩ sẽ đến tận phường, xã hỗ trợ F0 khi Trạm y tế chưa xử lý tốt. Bên cạnh đó, Sở Y tế duy trì và tiếp tục phát triển hệ thống Tổng đài 1022 nhánh số 3, 4 để tư vấn sức khỏe, kịp thời hỗ trợ cho F0.